Đạo và Đời – Giáo và Lương

Cứ gần đến ngày Noel lại hay nghĩ về Đạo và Đời. Mặc dù VN được cai trị bởi một đảng vô thần nhưng đời sống tâm linh thật phong phú và kỳ lạ. Theo số liệu chính thức thì chỉ khoảng 10% dân số theo KiTô giáo và 10% Phật giáo, 80% còn lại tự nhận mình là không tôn giáo (gọi là “Lương dân – sống và làm việc theo lương tâm”) nhưng hầu hết là hướng Phật và vẫn thực hành một vài tín ngưỡng địa phương hoặc dân gian nào đó. Số người Vô Thần hoàn toàn thì rất ít.
Hôm nay đọc Wiki có một thông tin là mình rất bất ngờ là theo số liệu của GH Phật Giáo VN tự công bố thì có đến 45tr tín đồ Quy Y Tam Bảo. Như vậy là gần 50% dân số rồi. Nếu đây là con số chính xác thì Viêt Nam sẽ thuộc hàng cường quốc Phật Giáo. Thật là phúc đức cho dân tộc này vẫn còn nhiều chứ không đến nỗi bất hạnh như mình tường nghĩ. Đối với mình, con người có Đạo sẽ tốt hơn và Đời mà có Đạo soi đường thì cũng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Với tỷ lệ này, chắc hẳn trong số anh em bạn bè mình sẽ có người Quy Y Tam Bảo. Mình thắc mắc là người đã Quy Y thì việc thực hành sống Đạo sẽ như nào vì thực tế số người tự nhận mình là Phật Tử hoặc thực hành Phật Giáo không nhiều lắm.
Một người có Đạo và thực hành sống Đạo khác hẳn với kiểu chỉ tin kiêng, cúng bái theo một vài tín ngưỡng nào đó. Để một Tín Ngưỡng trở thành tôn giáo, ngoài những yếu tố tâm linh, tín điều sẽ cần phải có Giáo Lý, Giáo Luật, Lễ Nghi và Cộng Đoàn đủ lớn thực hành nó thường xuyên. Nghĩa là Tín Ngưỡng đó phải vượt lên khỏi những niềm tin vu vơ, mọi kinh sách cần được soi rọi bằng những suy tư triết học và thần học nghiêm túc để đúc kết thành Giáo Lý. Để duy trì và phát triển tín ngưỡng của mình, cộng đoàn đó cần phải thiết lập giáo luật chính là những khế ước và các hướng dẫn thực hành nghi lễ chung trên nền tảng giáo lý của mình. Người sống Đạo thì ngoài tham gia những sinh hoạt tôn giáo cộng đồng thì còn sống theo giáo lý, giáo luật. Nghe thì có vẻ nghiêm trọng nhưng thật may là thực ra đó cũng thường rất cụ thể và đơn giản. Tín hữu không nhất thiết phải học hiểu từ triết học, thần học. Chỉ cần có một lượng kiến thức về giáo lý, giáo luật tùy theo khả năng của mình là có thể thực hiện như thói quen hàng ngày. Như vậy, ngoài “sống và làm việc theo lương tâm” thì bạn còn có thêm những hướng dẫn để sống tốt hơn, được cộng đoàn tôn giáo của mình hỗ trợ trong cả đời sống tâm linh và trần tục. Vì lẽ đó, những tôn giáo tồn tại và phát triển hàng ngàn năm chắc chắn phải có những chiều kích sâu xa mang lại những giá trị to lớn cho con người.!
Quay trở lại câu chuyện Noel. Năm nay cá nhân mình ko thấy cảm giác rộn ràng như mọi năm. Bật mấy album nhạc Noel lên mà chả ngồi nghe hết được một bài hát nào trọn vẹn. Những kỉ niệm về Noel xưa cũng phai nhạt chứ không ùa về như trước. Kiểu như mình đang dần đánh mất điều gì đó lớn lao.!

Bình luận về bài viết này